Tăng trưởng kinh tế lạc quan năm 2022
Với kinh nghiệm, năng lực và khả năng ứng phó tốt với dịch bệnh, nhiều chuyên gia nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ mau chóng phục hồi trở lại trong năm 2022.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến kinh tế – xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế. Tăng trưởng GDP 2,58%, xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục 668,5 tỉ USD (xuất siêu khoảng 4 tỉ USD), tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế dẫn đầu về thương mại quốc tế. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỉ USD, tăng hơn 9,2 tỉ USD so với năm 2020.” Những con số trên cho thấy Việt Nam đang bước sang năm 2022 với những nền tảng tích cực và bức tranh năm mới tương đối sáng.
Bên cạnh đó, những công bố của Chính phủ đã cho thấy Việt Nam có quyết tâm lớn để khôi phục nền kinh tế. Ngay tháng đầu năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội triệu tập phiên họp bất thường để quyết sách về các nguồn lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch đủ. Kết quả, Quốc hội đã thông qua gói tài chính tiền tệ 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Bởi vậy, nhiều tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo hết sức lạc quan về nền kinh tế Việt Nam 2022. Theo các nhà phân tích rủi ro quốc gia tại Fitch Solutions dự đoán, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,0% trong năm 2022, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ đề ra. Standard Chartered cũng dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 6,7%. Ngân hàng này đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 lên 7% và nhận định Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.
Các tổ chức này kì vọng rằng khu vực dịch vụ sẽ phục hồi mạnh mẽ khi những gián đoạn hoạt động do dịch Covid-19 sẽ giảm bớt. Cùng với đó, các hoạt động sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam sẽ được “bình thường hóa” hơn nữa trong năm 2022, bất luận tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn do bùng phát Covid-19. Ngoài dịch vụ, sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng cũng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhờ việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch trong nước, cùng việc mở cửa biên giới hơn nữa để đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, lạm phát có thể sẽ trở thành mối quan ngại trong năm 2022. Các yếu tố về nguồn cung, như giá cả hàng hóa tăng cao hơn do tác động của dịch bệnh, sẽ là nguyên nhân chính trong ngắn hạn. Dịch bệnh kéo dài có thể sẽ dẫn đến rủi ro lạm phát do vấn đề nguồn cung. Do đó, Standard Chartered dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ đạt 4,2% trong năm 2022 và 5,5% vào năm 2023.